Tiểu sử Ulrika Eleonora của Thụy Điển

Tuổi thơ bị lu mờ

Tranh vẽ Ulrika cùng anh trai và chị gái.

Ulrika Eleonora sinh ra ở Cung điện Stockholm, là con gái út của Quốc vương Thụy Điển Karl XI và Vương hậu Ulrique Eléonore của Đan Mạch, bà xuất thân từ nhà Palatinate-Zweibrücken, một nhánh của nhà Wittelsbach có nguồn gốc Đức tại vùng Bavaria. Bà được đặt tên theo mẹ, do đó dùng từ [The Younger; nghĩa là "người nhỏ hơn"] để phân biệt.

Mẹ bà qua đời vào năm 1693, khi bà mới 5 tuổi, do đó bà được chăm sóc bởi bà nội, Thái hậu Hedwig Eleonora. Tuy nhiên, người bà này được biết đến rất thiên vị chị gái của bà, tức Hedvig Sophia. Trong suốt thời còn nhỏ, Ulrika Eleonora luôn bị xem nhẹ vì "ánh hào quang" của người chị này, bản thân Hedvig Sophia được ghi nhận cũng khá xem thường em gái mình. Trong khi Hedvig thích cưỡi ngựa, tham gia các trò chơi thể thao, thì Ulrika lại thiếu tự tin và hay khóc nhè. Trong quá trình trưởng thành, Ulrika tỏ ra khá thân thiết, có phẩm hạnh, nhưng bị bà nội đánh giá "cứng đầu", "bướng bỉnh", vì bà thường rất thẳng thắng trong việc biểu lộ cảm xúc chán ghét một ai đó, và giải pháp mà Ulrika hay chọn là giả vờ bị bệnh. Do đó, giới quý tộc không đánh giá cao Ulrika.

Giành quyền kế vị

Quốc vương Karl XII khi ấy không lập gia đình, do vậy ông không có con trai để kế thừa. Triều đình Thụy Điển bắt đầu nhìn nhận chị gái của ông, Công chúa Hedvig Sophia sẽ là Trữ quân của vương quốc, do đó bà được săn đón trong rất nhiều lời đề nghị hôn nhân. Chỉ cần Hedvig Sophia kết hôn và sinh hạ con trai, Vương vị của Thụy Điển tương lai sẽ nằm trong túi gia tộc ấy, một lợi ích mà khó có gia tộc quyền lực nào của vương quốc không ngó tới. Cuối cùng, Hedvig Sophia cưới Frederick IV, Công tước xứ Holstein-Gottorp, và cuộc hôn nhân này có một người thừa kế, Charles Frederick.

Tình hình khả quan cho Ulrika, khi chị gái Hedvig của bà mất vào ngay năm 1708. Vào lúc đó, Ulrika Eleonora là người trưởng thành duy nhất còn lại của gia tộc Palatinate-Zweibrücken. Vào năm 1712, Vua Karl XII có suy nghĩ chỉ định Ulrika làm nhiếp chính thay mình khi ông quyết định vắng mặt khỏi triều đình Thụy Điển. Vào lúc thương nghị, hội đồng của vương triều ủng hộ Ulrika và tin chắc sự hiện diện của bà sẽ giúp ổn định tình hình chính trị. Vào ngày 2 tháng 11 năm 1713, Ulrika lần đầu trình diện trước toàn thể hội đồng vương triều, và đã thuyết phục thành công phái Riksdag công bố bà trở thành nhiếp chính, thông qua đó thể hiện tư cách kế vị [có khả năng nhất] cho vương vị Thụy Điển.

Ulrika Eleonora, những ngày được chú ý bởi là người thừa kế đáng giá của Thụy Điển.

Ulrika Eleonora chính thức tận hưởng chuỗi ngày tự do và được chú ý, khi chỉ còn bà là công chúa duy nhất trong triều đình Thụy Điển vào lúc ấy, la người có khả năng kế vị cao nhất và quan trọng nhất là bà vẫn chưa kết hôn. Dù Công chúa Hedvig Sophia đã sinh hạ con trai, song điều đó vẫn chưa chắc chắn do nhà chồng của Hedvig là bên xa, do đó không ít các thế lực khác chống đối phe phái Công tước Holstein-Gottorp bắt đầu nhắm đến người nhỏ hơn, Ulrika Eleonora. Từ những năm 1710, Ulrika đã nhận lời đề nghị hôn nhân từ Hesse, và nhanh chóng được Thái hậu Hedwig Eleonora ủng hộ, bởi vì như thế Ulrika sẽ phải đến Hesse, rời xa khỏi triều đình, càng tạo thêm khả năng kế vị cho Charles Frederick, cháu trai của Ulrika, con trai của cô cháu gái mà Thái hậu yêu thích nhất.

Đến năm 1714, ngày 23 tháng 1, lễ kết hôn được công bố, vào ngày 24 tháng 3 năm 1715 diễn ra. Ulrika kết hôn với Friedrich I, vốn là Lãnh chúa của xứ Hesse-Cassel. Cũng trong năm 1715, ngày 24 tháng 11, Thái hậu Hedwig Eleonora qua đời.

Cưới được Ulrika, Friedrich không thể che giấu ý đồ của mình đối với Vương vị của Thụy Điển, trong khi Ulrika lại tin rằng đây là cuộc hôn nhân dựa trên tình yêu. Bằng một cách tài tình và khéo léo, ông nhanh chóng ảnh hưởng lên Ulrika, để khiến bà trở thành con rối trong âm mưu chống lại thế lực của người chị Hedvig, do đó triều đình Thụy Điển có hai phe phái: Đảng Hesse và Đảng Holstein.

Trước đó vào năm 1713, khi Ulrika tiến hành nhiếp chính cho anh trai mình, bà đã chạm trán với đảng phái Riksdag. Trước đó nhiều năm, phái phái Riksdag luôn chống đối chính sách do cha và anh bà để lại, tức nền quân chủ chuyên chế hoàn toàn, tập trung quyền lực về cho quân vương khiến các đảng chính trị suy yếu đáng kể. Ulrika, với cương vị là công chúa nhiếp chính, vẫn lắng nghe nhưng chưa hồi đáp những ý tưởng này của phái Riksdag, mà bà chú trọng đến việc liên lạc với anh trai Karl XII đang ở bên ngoài Thụy Điển. Sự khôn ngoan của Ulrika khiến Vua Karl tin tưởng giao cho trọng trách thay mặt nhà vua kí các điều khoản chính trị, chỉ riêng những tin cơ mật thì phải nói lại với ông. Và dù đã có thực quyền và có thể tự ý hành động bất kì động thái chính trị nào, Ulrika vẫn nhắc đi nhắc lại mình chỉ là người đại diện của anh trai, và bà tiếp tục giự bổn phận không vượt qua bất kì ranh giới nào.